Cụ thể, trong năm 2018, một trong những yếu tố được kỳ tạo điểm tựa tăng trưởng cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX: HOSE) là việc triển khai xăng E5 ra thị trường.
Petrolimex ước tính lợi nhuận gộp của sản phẩm E5 tăng 80-100 đồng/lít so với xăng A92 do xăng E5 không phải trích quỹ bình ổn giá và thuế môi trường cho xăng E5 thấp hơn xăng A92.
Bên cạnh đó, Petrolimex cũng sẽ tập trung vào sản phẩm cao cấp mới để cạnh tranh với công ty cùng ngành. Trong đó, với sản phẩm xăng A95, Petrolimex hiện là nhà phân phối duy nhất đạt chuẩn Euro IV/V tại Việt Nam, đây là sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm khác. Dòng sản phẩm xăng A95 của Petrolimex luôn tăng trưởng đều đặn hàng năm và chiếm 28% sản lượng xăng của Petrolimex.
Mảng bán lẻ cũng là một trong những yếu tố tạo đà tăng trưởng cho Petrolimex. Công ty sẽ mở rộng mảng bán lẻ từ 70-100 trạm xăng dầu mới/năm. Tỷ suất lợi nhuận mảng bán lẻ của PLX cao hơn so với mảng bán buôn, do đó việc mở rộng các trạm xăng dầu do công ty sở hữu là chiến lược của công ty. Tỷ trọng sản lượng bán lẻ trong tổng sản lượng tiêu thụ đã tăng từ 40% trước đó lên 60-65%. Tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam mỗi năm ước tính tăng 5-6% trong 5 năm tới.
Mặt khác, việc tối ưu hóa tuyến vận chuyển hàng hóa được kỳ vọng sẽ đóng góp vào tăng trưởng của Petrolimex trong năm 2018. Công ty hiện đang lên kế hoạch giảm 9% chi phí vận tải trong giai đoạn 2018-2019, đồng thời hợp tác với đối tác chiến lược JX Nippon sử dụng công nghệ để thiết lập hệ thống phân phối xăng dầu tiên tiến và các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên mạng lưới điểm bán xăng dầu trên khắp cả nước (ví dụ như dịch vụ rửa và bảo dưỡng ô tô).
Theo SSI Retail Research, tỷ suất lợi nhuận của Petrolimex vẫn còn ‘room’ để cải thiện thông qua việc triển khai xăng E5, cắt giảm chi phí và đẩy mạnh phân phối RON95. Petrolimex cho rằng Tập đoàn được phép mở rộng mạng lưới bán lẻ thông qua M&A (thị phần của PLX có thể tăng hơn 50%). Mặt khác, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường bán lẻ trong ngắn hạn.
Liên quan đến việc bán cổ phiếu quỹ, kế hoạch cụ thể phụ thuộc vào nhu cầu vốn tại các dự án lớn như nhà máy lọc dầu và kho chứa LPG/LNG của Petrolimex. Trong khi đó, vốn đầu tư cho việc mở rộng hoạt động bán lẻ mỗi năm sẽ huy động từ dòng tiền hoạt động kinh doanh.
Về chiến lược tăng trưởng trong dài hạn, Petrolimex đặt mục tiêu duy trì vị thế tập đoàn phân phối xăng dầu lớn nhất Việt Nam và nằm trong top 5 tập đoàn lớn nhất Việt Nam về quy mô và lợi nhuận. Song song đó, PLX sẽ phát triển các ngành liên quan và mảng kinh doanh phụ trợ như cửa hàng tiện lợi, phụ tùng ô tô và cửa hàng sửa chữa bảo hành, tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp và mô hình quản lý với hỗ trợ của đối tác chiến lược JX và phát triển năng lượng xanh.
Về thoái vốn Nhà nước, dự kiến sở hữu của Nhà nước tại Petrolimex sẽ giảm còn 51% từ mức hiện tại là 76%, lộ trình thoái vốn từ 2018-2019.
Điểm lại kết quả 9 tháng, Petrolimex đạt doanh thu thuần 112.427 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 78% kế hoạch cả năm.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex đạt 3.546 tỷ đồng, đạt 75,7% kế hoạch. Trong đó, lãi trước thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn Tập đoàn đạt 1.814 tỷ đồng, chiếm 51,2% cơ cấu lợi nhuận.