Theo kết quả kiểm toán do công ty Deloitte thực hiện, kết thúc năm tài chính 2016, tổng tài sản của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là trên 692.216 tỷ đồng, tăng trên 51.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Tuy nhiên, số nợ phải trả lên tới trên 486.981 tỷ, tăng trên 32.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 121.192 tỷ, nợ dài hạn lên đến khoảng 365.788 tỷ đồng (tăng trên 31.000 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước).
Trong khoản nợ dài hạn, khoản vay và nợ thuê tài chính là 360.928 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 327.514 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
EVN còn khoản nợ tiềm tàng khác
Cơ quan kiểm toán Deloitte cũng nhấn mạnh rằng EVN còn có một số khoản "nợ tiềm tàng" khác.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có điều chỉnh trên báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính 2016 liên quan đến các khoản nợ tiềm tàng này. Lý do là “giá trị của các nghĩa vụ nợ này không được xác định một cách đáng tin cậy”.
Điều đó có nghĩa là nếu được tính vào cả khoản nợ này thì số tiền nợ của EVN phải lớn hơn so với con số đã công bố ở trên.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất được công bố, EVN đã ghi nhận khoản lợi nhuận của năm 2016 là trên 5.164 tỷ đồng, tăng cao so với năm 2015 là 4.595 tỷ đồng.
Đối với việc xử lý chênh lệch tỉ giá, Deloitte cũng ghi nhận năm tài chính 2016 của EVN còn khoảng 3.671 tỷ đồng, giảm mạnh so với 5.814 tỷ đồng của năm 2015.
EVN hiện không còn đầu tư vào chứng khoán, nhưng có các khoản đầu tư như tiền gửi ngắn hạn là 8.041 tỷ đồng.
Mới đây, EVN vừa được Chính phủ thông qua đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, công ty mẹ EVN tiếp tục là công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Cùng với đó là các công ty Truyền tải điện quốc gia, 5 tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, Hà Nội và TP.HCM; trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia…
Tuy nhiên, EVN sẽ cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện 1, 2, 3. Theo lộ trình, EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp này đến hết năm 2019 và đến năm 2020 tiếp tục xem xét thoái phần vốn Nhà nước còn nắm giữ xuống dưới mức chi phối.
Bộ Công Thương cho biết hiện cơ quan kiểm toán Nhà nước đang thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đã yêu cầu EVN và Bộ Công Thương xây dựng phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Mặc dù chưa quyết định cụ thể song áp lực tăng giá điện trong năm 2017 đang đè nặng bởi theo EVN thì các chi phí đầu vào đang tăng, đặc biệt là giá than, cộng với khoản lỗ chênh lệch tỉ giá còn “treo” lại chưa được hạch toán vào giá thành.
Nặng gánh chi phí đầu vào
Theo tính toán của EVN, cập nhật các thông số đầu vào như giá than nhập khẩu, giá dầu, khí, tỷ giá so với các thông số đã tính toán kế hoạch đầu năm (bình quân 9 tháng đầu năm 2016, tổng chi phí sản xuất kinh doanh đã tăng thêm khoảng 7.230 tỷ đồng.
EVN đã tiết giảm được gần 3.000 tỷ đồng, nhưng để thuận lợi trong đầu tư Tập đoàn này kiến nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù để quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách.
Tập đoàn này cũng đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho tập đoàn này và các đơn vị thành viên không phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư đối với các dự án điện nhóm A đã nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực.
EVN cũng muốn được tự thẩm định hoặc ủy quyền cho các đơn vị thẩm định các dự án do tập đoàn quyết định đầu tư hoặc được ủy quyền quyết định đầu tư.
Đồng thời, EVN cũng bổ sung thêm quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A không sử dụng vốn đầu tư công, có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng.