Tính đến 31/07, theo thống kê của NDH, trong số 11 doanh nghiệp niêm yết thuộc ngành sản xuất và kinh doanh phân bón trên 2 sàn HNX và HOSE đã công bố BCTC quý II/2017, có 6 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng và 5 doanh nghiệp lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm 2016. Trên sàn UPCoM, DDV tiếp tục báo lỗ ròng tuy nhiên đã cải thiện nhiều so với năm trước.
Tổng kết nửa đầu năm 2017, doanh thu của 12 doanh nghiệp phân bón đã công bố BCTC đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng đạt 1.356 tỷ đồng, tăng trưởng 7%.
Thị trường phân bón hồi phục, nhiều doanh nghiệp lấy lại “phong độ”
Năm 2017, thị trường phân bón được dự báo sẽ tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ khi tình hình thời tiết và thổ nhưỡng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.
Theo báo cáo của Agrimonitor, tiêu thụ phân bón nội địa của Ure và NPK dự báo lần lượt tăng 2,15% và 5,33% trong năm 2017. Cùng quan điểm đó, Chứng khoán MBS cho rằng nhu cầu tiêu thụ phân hỗn hợp NPK của các công ty sản xuất sẽ tăng trưởng tích cực. Do tình hình giá Ure tăng mạnh vào đầu năm 2017 làm giảm một phần nhu cầu tự phối trộn của nông dân, và nhu cầu dịch chuyển sang sử dụng phân hỗn hợp NPK có thương hiệu.
Thực tế đầu năm 2017, giá cả của các loại phân bón Ure, DAP đã có dấu hiệu tăng trở lại sau một thời kỳ giảm dài. Theo thống kê từ FAO, bình quân giá phân bón Ure thế giới đã tăng đến 10% so với mức đầu năm. Tại thị trường trong nước, giá chào bán Ure hiện tăng bình quân khoảng 15% từ đầu năm đến cuối tháng 6 và đang trong giai đoạn chững lại. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách bảo vệ môi trường tại Trung Quốc khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm công suất hoạt động dẫn đến nguồn cung phân bón Ure trong vụ Đông Xuân bị khan hiếm.
Với những tín hiệu tích cực, kết thúc 6 tháng đầu năm, có 6 đơn vị hoạt động trong ngành phân bón đã bão lãi tăng trưởng trong đó có “anh cả” Tổng CTCP Phân bón & Hóa chất Dầu khí (HOSE: DCM). Cụ thể, DCM đạt doanh thu thuần 3.038 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng đạt 556,46 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 60%. Theo sau, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) cũng ghi nhận lãi ròng tăng trưởng 45%, đạt 88,8 tỷ đồng và CTCP Phân Bón Bình Điền (HOSE: BFC) lợi nhuận cũng tăng hơn 30% đạt 168 tỷ đồng.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, vẫn có 5 doanh nghiệp báo mức lợi nhuận sụt giảm, trong đó cái tên đầu tiên kể đến là PSW. Nửa đầu năm, doanh thu thuần của PSW giảm gần 2,5%, xuống còn 1.111 tỷ đồng, lãi ròng hơn 7,5 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Tổng CTCP Phân Bón & Hóa Chất Dầu Khí (HOSE: DPM) cũng ghi nhận lợi nhuận giảm tới 42%, dừng ở mức 454 tỷ đồng. Nguyên nhân theo Công ty là do giá khí đầu vào tăng nên giá thành Ure Phú Mỹ tăng so với cùng kỳ, đồng thời sản lượng bán giảm dẫn đến lợi nhuận cũng giảm tương ứng. Ngoài ra, PSE và PCE cũng ghi nhận sụt giảm lãi ròng quanh mức 30%.
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua DDV - thành phần “cá biệt” trong danh sách các doanh nghiệp phân bón. Trong nửa đầu năm 2017, DDV đạt doanh thu 919 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, DDV vẫn chịu lỗ ròng hơn 54,7 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số lỗ 212 tỷ đồng của nửa đầu năm 2016.
Mặc dù, vẫn còn đó những doanh nghiệp chưa thoát khỏi bức tranh ảm đạm, tuy nhiên nhìn chung ngành phân bón nửa đầu năm đã dần chuyển sang “gam màu”mới bớt u ám hơn so với thời điểm cuối năm 2016.
Tiếp tục kỳ vọng và chờ đợi chính sách thuế
Năm 2017, ngành phân bón nói chung và các doanh nghiệp phân bón nói riêng đặt khá nhiều kỳ vọng vào chính sách về thuế và quyết sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Đối với sự thay đổi chính sách thuế GTGT, các công ty trong ngành đang kỳ vọng rằng luật thuế sẽ được thay đổi đưa phân bón từ mặt hàng miễn thuế GTGT thành mặt hàng chịu thuế GTGT 0%.
Được biết trong giai đoạn 2015 – 2016, khi luật thuế cũ số 71/2014/QH13 từ mức thuế 5%, các công ty phân bón, đặc biệt là sản xuất phân đơn, đã không được khấu trừ cho các chi phí sản xuất đầu vào làm gia tăng giá vốn hàng bán. Vì vậy, sau khi luật thuế được thay đổi, điều này được kỳ vọng sẽ làm gia tăng biên lợi nhuận gộp cho các công ty phân bón, đặc biệt là doanh nghiệp như LAS, SFG, DCM, DPM.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã đồng ý với đề xuất bãi bỏ việc cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng phân bón Ure, phân khoáng hoặc phân hoá học có chứa ba nguyên tố cấu thành nitơ, phospho và kali. Điều này sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế.
Vẫn tồn tại áp lực “tràn” nguồn cung
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành phân bón vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề trong đó có việc thừa cung.
Theo MBS, nguồn cung phân bón trong nước vẫn sẽ tiếp tục tăng từ các dự án mở rộng. Năm 2015, BFC đã đầu tư nhà máy sản xuất NPK với công suất ban đầu là 200 nghìn tấn, đến năm 2019 sẽ nâng cấp công suất lên mức 250 nghìn tấn. Đồng thời, Đạm Phú Mỹ đang trong quá trình xây dựng gia tăng thêm 90 nghìn tấn Ure và đưa ra thị trường 250 nghìn tấn NPK.
Còn nhớ năm 2016, hàng loạt nhà máy đã phải cắt giảm sản lượng phân bón ra thị trường. Do tình hình hạn hán và ngập mặn làm giảm diện tích gieo trồng, thị trường tiêu thụ Ure cả nước đạt 2,09 triệu tấn, giảm 4,76% so với năm 2015. Trong đó, nhu cầu sử dụng phân bón Ure để sản xuất phân bón khác chiếm đến 400 nghìn tấn. Đối với thị trường phân NPK, nhu cầu tiêu thụ nội địa cho cây trồng đạt 3.750 nghìn tấn, giảm 3,85% so với cùng kỳ.
Theo đó, các nhà máy trong nước đã phải cắt giảm sản lượng sản xuất còn 2 triệu tấn Ure. Đồng thời, các nhà máy sản xuất DAP như DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai cũng đều phải giảm sản lượng sản xuất còn 219 ngàn tấn.