Từ nửa cuối năm 2016 giá cao su kỳ hạn trên sàn hàng hóa Tokyo đã bất ngờ tăng mạnh từ khoảng giá 160 JPY/kg lên mức 350 JPY/kg vào đầu năm 2017 và duy trì mức cao đến giữa năm.
Với nguyên liệu đầu vào chiếm trên 50% là cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành săm lốp năm qua bị ảnh hưởng trầm trọng.
Diễn biến giá cao su kỳ hạn trên sàn hàng hóa Tokyo 5 năm qua
Cụ thể, năm vừa qua doanh nghiệp đầu ngành Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) đã ghi nhận mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Doanh thu thuần tuy duy trì đà tăng trưởng 9% đạt 3.668,8 tỷ đồng nhưng giá vốn tăng đến 20% khiến lãi gộp giảm 34% xuống 463,6 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, lãi ròng còn gần 162 tỷ đồng, giảm 59% so với năm trước.
Bi đát hơn, Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) năm 2017 chỉ đạt lợi nhuận 55 tỷ đồng, bằng 1/5 năm 2016 dẫu doanh thu tăng nhẹ. Hay Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) cũng giảm phân nửa lợi nhuận ròng xuống 34,2 tỷ đồng. Đây đều là mức thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây của CSM và SRC.
Nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng này theo các doanh nghiệp săm lốp là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và chi phí bán hàng gia tăng do đẩy mạnh chính sách bán hàng.
2018 biên lãi gộp kỳ vọng cải thiện nhưng thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, từ tháng 6/2017 đến nay, giá cao su kỳ hạn tại sàn hàng hóa Tokyo liên tục sụt giảm, giao động quanh vùng 190 JPY/kg đến 220 JPY/kg, thậm chí trong tháng 2 giảm về mức 170 JPY/kg.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Asean dự báo vùng 230 – 250 JPY/kg là vùng kháng cự gần cho giá cao su, do vậy khả năng cao giá cao su sẽ giao động bên dưới mức giá này trong năm 2018, bên cạnh đó vùng 170 JPG/kg – 190 JPY/kg sẽ là vùng hỗ trợ gần. Giá dầu WTI tăng hơn 20% so với đầu năm 2017, vùng 70 – 80 USD/thùng là vùng kháng cự trung hạn khá cứng cho giá dầu, khả năng giá dầu sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận vùng giá này trong năm 2018, bên cạnh đó vùng 50 – 60 USD/thùng sẽ là vùng hỗ trợ trung hạn cho giá dầu.
Với gần 70% nguyên vật liệu cấu thành lên sản phẩm săm lốp là cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp và carbon đen (sản xuất chủ yếu từ dầu mỏ), chứng khoán Asean dự báo biên lợi nhuận gộp ngành săm lốp sẽ cải thiện nhẹ trong năm 2018.
Tuy vậy, áp lực cạnh tranh đang ngày càng tăng tại thị trường trong nước, đặc biệt là phân khúc sản phẩm dành cho ô tô. Những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Bridgestone Việt Nam (Nhật Bản), Kumho Tire (Hàn Quốc)… ngoài xuất khẩu cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đồng thời, cạnh tranh từ săm lốp nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, sản phẩm có giá thấp hơn khoảng 20% so với nhà sản xuất khác không những khiến giá đầu ra của doanh nghiệp nội địa không thể điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng của nguyên liệu đầu vào, mà còn phải tăng mức chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ…
Theo Chứng khoán Asean, trong bối cảnh thị trường săm lốp trong nước gặp khó khăn thì việc mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư cho ra đời các sản phẩm mới là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, trong đó, mặt hàng lốp radial kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp săm lốp. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng lốp radial cho ô tô ước tính đạt 50 – 60%. Với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, nhu cầu sử dụng các dòng lốp radial trong tương lai dự báo sẽ tăng.
Trong 3 doanh nghiệp săm lốp trên sàn Chứng khoán MSI đánh giá cao DRC là doanh nghiệp dẫn đầu về quy mô và hiệu quả kinh doanh trong nước, xu hướng sử dụng lốp xe radial thay thế lốp xe bias giúp tăng doanh thu. Mặt khác, giai đoạn II dự án nhà máy radial dự kiến hoàn thành và bắt đầu hoạt động từ quý II/2018 nâng tổng công suất thiết kế lên gấp đôi, đạt 600 nghìn lốp/năm. Chi phí khấu hao trung bình trên mỗi sản phẩm của toàn dự án (bao gồm giai đoạn I-II) sẽ giảm do giai đoạn II có cùng công suất thiết kế với giai đoạn I nhưng giá trị đầu tư thấp hơn ở mức lần lượt 700 tỷ và 1.864 tỷ đồng. Dự kiến đến 2019 mảng lốp radial sẽ bắt đầu ghi lợi nhuận và đến 2022 sẽ đóng góp 50% doanh thu toàn công ty.
Đối với thị trường xuất khẩu, MSI kỳ vọng Ấn độ sẽ là thị trường hấp dẫn trong năm tới với việc Chính phủ Ấn Độ đã thông qua đề xuất áp thuế chống bán phá giá với một số loại lốp radial dùng cho xe tải, xe buýt có đường kính trên 16 inch xuất xứ từ Trung Quốc kể từ tháng 10/2017, đây là cơ hội để DRC gia tăng cơ hội xuất khẩu lốp radial.
MSI ước tính doanh thu 2018 của DRC đạt 3.966 tỷ đồng, tăng trưởng 8% và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm 2017.
Trong báo cáo chiến lược 2018, MBKE nhận định giá cao su đã điều chỉnh liên tục kể từ giữa năm 2017, trong ngắn hạn có thể phục hồi nhẹ nhờ một số thông tin hỗ trợ như giá dầu, hàng hóa có tương quan cao su phục hồi đáng kể; Chính phủ Thái Lan đã công bố chương trình trợ giá 20 tỷ bath kể từ tháng 12/2017; các nước sản xuất cao su Thái Lan, Malaysia, Indonesia thống nhất cắt giảm xuất khẩu 350.000 tấn (từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018); cây cao su vào mùa thay lá (từ tháng 2 – 5), tạm gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, giá cao su khó tăng đột biến khi mà tồn kho cao su thế giới còn dồi dào và Trung Quốc – thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới được dự báo có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, đặc biệt ngành ô tô.