Trong báo cáo chiến lược vĩ mô và thị trường tháng 9/2014, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, kết thúc tháng 9 là thời điểm nhạy cảm khi các doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3.
BSC tiếp tục đánh giá khả quan đối với các ngành Bất động sản, Dầu khí, Săm lốp, Thủy sản, Dược và Dệt may.
Một số ngành BSC vẫn duy trì đánh giá kém khả quan trong báo cáo triển vọng ngành như Cao su thiên nhiên và phân bón. Qua quá trình theo dõi và bám sát doanh nghiệp, BSC đưa ra những nhận định và dự báo cho kết quả kinh doanh quý 3 và quý 4 của một số ngành tiêu biểu như sau:
Ngành dầu khí
Các doanh nghiệp dầu khí tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan như 6 tháng đầu năm nhờ sự tăng trưởng chung của ngành dầu khí. Tuy nhiên một số doanh nghiệp sau khi tăng trưởng đột biến trong quý 2 đã trở về với mức ổn định như PVC, PVB và PXS.
Trong khi đó GAS, PVD, PVS, PGS và CNG vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định như 6 tháng đầu năm.
Đối với PVS nhiều khả năng dù kinh doanh tốt trong quý 3 nhưng do phải trích lập dự phòng cho dự án nhiệt điện Long Phú nên lợi nhuận quý 3 sẽ suy giảm.
Ngoài ra do giá LPG liên tục suy giảm từ đầu năm đến nay nên PVG vẫn tiếp tục lỗ lũy kế trong quý 3 và doanh nghiệp cũng cho biết sẽ điều chỉnh kế hoạch 2014.
BSC tiếp tục duy trì dự báo các doanh nghiệp dầu khí sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong quý 4, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh khí nhờ kỳ vọng tăng trở lại của giá LPG vào cuối năm khi nhu cầu khí đốt tăng cao trong mùa đông, đồng thời một số dự án nhà máy lọc dầu sẽ được triển khai mạnh từ quý 4 như Nghi Sơn, Vũng Rô, Long Sơn.
Nhóm ngành Bất động sản
BSC giữ quan điểm tích cực với nhóm ngành BĐS trong 3 tháng cuối năm 2014. Sự phục hồi của TT BĐS điển hình là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khiến các ngành upstream của BĐS là xây dựng và vật liệu bắt đầu có những dấu hiệu lạc quan trở lại.
Bất động sản- khả quan: Các doanh nghiệp bất động sản thường bàn giao các dự án và ghi nhận doanh thu trong 2 quý cuối năm nhiều hơn nửa đầu năm. Lợi thế sẽ dành cho những Công ty có các dự án phù hợp với phân khúc trung bình, trung cao cấp, vị trí dự án đẹp, tiến độ xây dựng và bàn giao nhanh, kết quả kinh doanh sẽ có những chuyển biến tích cực bắt đầu từ quý IV/2014.
Xây dựng
Các công ty xây dựng thông thường sẽ ghi nhận doanh thu vào 6 tháng cuối năm. Mùa xây dựng thường rơi vào mùa khô, từ giữa quý 3 tới quý 4. Do đó, với các công ty xây dựng có các dự án đang thi công mà tình hình vay nợ không quá cao thì KQKD sẽ cải thiện hơn so với quý III.
Xi măng
Do các doanh nghiệp xi măng thuộc Vicem thường vay nợngoại tệ đồng EUR để phục vụ việc đầu tư dây chuyền sản xuất châu Âu nên với diễn biến đồng EUR suy giảm như hiện nay, các doanh nghiệp xi măng như BCC, HT1 và BTS được kỳ vọng sẽ có thêm doanh thu từchênh lệch tỷ giá giúp làm giảm gánh nặng tài chính.
Riêng với HOM, doanh nghiệp chỉ còn khoản vay USD nhưng chúng tôi tính toán lỗ tỷ giá với khoản nợ còn lại sẽ không đáng kể, ngoài ra sản lượng tiêu thụ của HOM đã tăng đột biến so với năm 2013 nhờ quy định siết chặt tải trọng đã khiến các đối thủ chính của HOM như Duyên Hà, Nghi Sơn, Bỉm Sơn khó tiếp cận với thị trường chủ lực Nghệ An.
Ngành thép và gạch
Mặc dù nhu cầu tiêu thục phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chịu hậu quả từ khó khăn giai đoạn trước đó. Điều kiện thị trường này đã tạo điều kiện chi một số doanh nghiệp của ngành Thép và Gạch vẫn duy trì hoạt động hiệu quả, kiểm soát tốt chi phí và tăng thị phần.
Thủy sản
Cá tra cơ hội cải thiện trong quý VI do giá cá giảm về mức thấp tương đương đầu năm, các đơn hàng đi EU và Mỹ chủ yếu tập trung trong thời gian này. Tôm tiếp tục tăng trưởng kim ngạch XK do sản lượng Thái Lan, Trung Quốc còn thấp sau dịch bệnh, tuy nhiên mức biên lợi nhuận sẽ thấp hơn do giá tôm nguyên liệu đã tăng mạnh so với cùng kỳ.
Săm lốp- khả quan:
Giá cao su nguyên liệu tiếp tục giảm mang lại lợi thế chi phí cho các doanh nghiệp săm lốp. Dự báo kết quả kinh doanh quý 3 của CSM, DRC: Doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái do tiêu thụ lốp Radial.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế có thể giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái do tăng khấu hao và chi phí lãi vay nhà máy mới không còn được khấu hao.
Dược phẩm, y tế
Kết quả kinh doanh quý 3 của nhiều doanh nghiệp dược được dự báo khả quan như JVC, DHG, IMP. Với việc thực hiện các hợp đồng bị trì hoãn trong năm 2013 và tăng giải ngân mới từ Chính phủ và các dự án quốc tế, JVC ước tính doanh thu thuần quý 3 đạt 300 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng (gấp 6 lần Q3/2013).
8 tháng đầu năm, DHG hoành thành 60% kế hoạch doanh thu (2.315,6 tỉ đồng, +15,4%) và 68% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (469,4 tỉ đồng, -11,2% do không còn thu nhập bất thường từ thương vụ chuyển nhượng Eugica). IMP dự kiến doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến trong quý 3/2014, lần lượt đạt 276 tỷ đồng (+37% so với cùng kỳ) và 57 tỷ đồng (+185% so với cùng kỳ).
Ngành dệt may
BSC nhận định trong 2 quý cuối năm này, doanh thu và lợi nhuận sẽ tiếp tục được duy trì và cải thiện do kỳ vọng vào mùa xuất khẩu. Theo những lần trao đổi gần đây với đại diện TCM và TNG, quý 3 và quý 4 năm nay doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng.
Với KMR, Q3 sẽ tiếp tục mức doanh thu và lợi nhuận như Q2 do đang trong mùa sản xuất bông tấm và chần bông (đây là 2 quý Công ty đạt mức DT và LN cao nhất trong năm).
Với EVE, DT và LN quý 3 và quý 4 được đại diện Công ty kỳ vọng sẽ có tăng trưởng do năm nay số lượng đơn hàng bông tấm và chần bông xuất khẩu tăng mạnh so với năm ngoái, bên cạnh đó, từ tháng 7 năm nay EVE đã gửi hàng mẫu tới các đại lý để họ chọn hàng trước, từ đó mới tiến hành sản xuất nhằm tăng hiệu quả đón mùa kinh doanh quý 4 và quý1.