Chiều ngày 7/9, Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương - Bimico (Mã: KSB) tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư chia sẻ về kết quả kinh doanh cũng như định hướng thời gian tới.
8 tháng ước lãi 181 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch năm
Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KSB cho biết, 8 tháng đầu năm, công ty ước đạt 687,3 tỷ đồng doanh thu và 181 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành lần lượt 67% và 75% kế hoạch năm.
Về việc thực hiện các mỏ khoáng sản, KSB đã hoàn thành thủ tục và được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép khai thác đá xây dựng tại mỏ đá Phước Vĩnh – huyện Phú Giáo. Đây là mỏ đá có diện tích 29,62 ha, độ sâu khai thác tới cotes – 20m, thời hạn khai thác 5,5 năm (từ ngày 13/7/2017).
KSB cũng hoàn thành bước đầu xây dựng cơ bản, đưa mỏ sét Bố Lá vào khai thác, cung cấp sét nguyên liệu cho nhà máy gạch Bình Phú của công ty và các nhà máy gạch khác trong khu vực.
KSB cũng đang thực hiện việc khai thác hết khối lượng còn lại của mỏ Cao lanh Tân Lập, đồng thời lập dự án, xin chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương cho phép tiếp tục sử dụng toàn bộ diện tích đất 24 ha sau khi đóng cửa mỏ.
Đặc biệt, KSB đang chờ chủ trương của tỉnh Bình Dương về việc cho phép khai thác xuống sâu -150 m với cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, xin chủ trương cho phép thăm dò, khai thác mỏ đá; tìm kiếm, san nhượng ít nhất một mỏ đá quy mô từ 20 – 40 ha công suất khai thác từ 1,5 triệu – 2 triệu m3/năm ở khu vực Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự án Khu biệt thự Bình Đức Tiến đã có quyết định và công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ trương chấp thuận đầu tư dự án của UBND tỉnh Bình Dương. KSB cũng đã nộp hồ sơ xin chuyển nhượng dự án và đang đợi chấp thuận từ UBND tỉnh. Ông Phan Tấn Đạt cho biết hết tháng 9, ông tin tưởng KSB sẽ nhận được chấp thuận từ tỉnh Bình Dương về việc chuyển nhượng, do đó sẽ ghi nhận doanh thu lợi nhuận vào năm 2017.
Cũng chính vì vậy, ông Đạt tin tưởng năm 2017, công ty sẽ đạt doanh thu 1.085 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 270 tỷ đồng, lần lượt vượt 6% và 11% kế hoạch năm.
Nói về việc mua một mỏ mới ở Ngã ba Dầu Giây, ông Hoàng Văn Lộc, Phó Tổng Giám đốc KSB cho biết mỏ này có diện tích trên 100 ha, đã được cấp phép với trữ lượng khai thác khoảng 300.000 m3/năm nguyên khối, ngoài ra còn có khoảng 130.000 m3 nguyên liệu xi măng nhưng chất lượng không cao. Mỏ có tiềm năng khai thác 30 năm tính từ tháng 9/2010. KSB xác định sẽ mua mỏ này nhưng hiện tại gặp vướng mắc trong việc sang nhượng giữa chủ cũ chủ mới của mỏ.
Cát nhân tạo KSB – sản phẩm thay thế cát tự nhiên
Tại buổi gặp gỡ, KSB cũng nhắc tới công nghệ sản xuất đá ly tâm và cát nhân tạo - hướng đi mới của thị trường khi cát nhân tạo ngày càng khan hiếm. Ông Hoàng Văn Học, Phó Tổng Giám đốc KSB cho biết hiện nay KSB có 2 nguồn nguyên liệu chính từ đá và đá chính phẩm, cát nhân tạo là sản phẩm kèm theo. Hiện nay, cát nhân tạo (đá mi bụi) có ở hai mỏ của KSB là mỏ Tân Hiệp và mỏ Phước Vĩnh.
Trong đó, theo ông Học, mỏ Phước Vĩnh có trữ lượng khoảng 250.000 - 350.000 m3 đá mi bụi. Dự kiến tới năm 2018, KSB chắc chắn có 50.000 m3 cát nhân tạo được bán ra thị trường, sau đó sẽ tăng thêm. Tương lai, hai mỏ đá trên có thể cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu m3 cát nhân tạo.
Đồng thời, KSB cũng đang khảo sát thêm một mỏ khác ở khu vực Vĩnh Hòa để cung cấp thêm cát nhân tạo. Hiện, KSB bán giá cát nhân tạo 150.000 đồng/m3, lợi nhuận dự kiến khoảng 10 - 15%.
Ông Học đánh giá cát nhân tạo có lợi thế hơn so với cát tự nhiên khi có thể chủ động được chất lượng cát, có thể loại bỏ được cát bẩn, không đạt chỉ tiêu, có thể chủ động tách được cát thô cho bê tông và cát mịn cho tô chát.