Sáng ngày 13/1/2018, Công Ty TNHH Tư Vấn Và Đào Tạo Biên An Toàn đã tổ chức buổi hội thảo Café Chứng khoán với sự tham dự của ông Trần Hoàng Giang - Chánh văn phòng kiêm thư ký CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) cùng những chia sẻ về triển vọng của PHR.
Theo chia sẻ của ông Giang, trong năm 2017 công ty khai thác 14.600 tấn, thu mua hơn 17.400 tấn; tổng sản lượng chế biến 32.200 tấn. Trong đó, công ty đã tiêu thụ 29.400 tấn với giá bán bình quân 40,4 triệu đồng/tấn, mức giá cao nhất nhì toàn ngành.
Từ đó, công ty có thể ghi nhận doanh thu 1.620 tỷ đồng, riêng mảng cao su gần 1.200 tỷ. Lợi nhuận trước thuế tầm 420 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch được giao (kế hoạch 271,31 tỷ; lãi trước thuế 2016 chỉ là 259,63 tỷ). Công ty cũng có kế hoạch cổ tức cao hơn so với con số kế hoạch 15%.
Chia sẻ về các kế hoạch năm 2018, PHR sẽ tập trung vào các hoạt chính là sản xuất cao su thiên nhiên, mủ cao su, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên đất cao su, công nghiệp cao su và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (chuối, mía…).
Kế hoạch sản lượng trong năm nay sẽ hơn 12.300 tấn, thu mua 15.000 tấn. Công ty chưa có kế hoạch lợi nhuận nhưng theo ông Giang, lãi 2018 có thể đạt hơn 600 tỷ đồng và còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi là cao su, công ty sẽ đẩy mạnh sản lượng cao su CV và tăng tỷ trọng chủng loại này trong cơ cấu sản phẩm để cung ứng cho các đối tác, trong đó có các đối tác mới từ Trung Quốc đã đặt vấn đề.
Về hoạt động đầu tư Khu công nghiệp (KCN), PHR dự kiến sẽ ghi nhận những khoản thu nhập từ đền bù bắt đầu từ năm 2018. Đối với KCN Nam Tân Uyên (NTC), với diện tích đất quy hoạch KCN khoảng 1.000ha, trong đó cơ cấu sở hữu PHR hiện nắm 32,85%. Công ty đang chờ Tập đoàn Cao su (VRG) phê duyệt chuyển giao 325ha cho NTC với giá trị đền bù cho PHR khoảng 300 tỷ đồng, bàn giao theo tiến độ giao đất.
Còn KCN Tân Bình bắt đầu cho thuê từ năm 2015 với tổng diện tích 352ha và PHR nắm giữ đến 80% KCN này. Giai đoạn 2 dự kiến mở rộng diện tích thêm 1.055 ha. Với KCN VSIP, giá trị đền bù được các bên thương lượng là 1 tỷ/ha và 20% lợi nhuận của VSIP; hiện PHR có 691ha đất KCN tại VSIP, giá trị đền bù thu trong 2018 khoảng 200 tỷ do thu theo nhiều đợt.
Về kinh doanh gỗ, công ty có nhà máy công suất khoảng 40.000 khối/năm, chủ yếu là gỗ cao su. Hiện PHR có 4.000ha cao su trên 18 năm thuộc diện thanh lý đến 2020, giá trị thanh lý cao su dự kiến khoảng 350-400 tỷ/năm.
Về nông nghiệp công nghệ cao, công ty giao 1.000ha đất cho Thành Thành Công trồng mía. Sau 3 năm TTC sẽ bàn giao lại đất cho công ty và khoản chi phí để PHR trồng tái canh tại vùng đất này. Ngoài ra còn hợp tác với 1 số đối tác trồng chuối và cay trồng khác.
Bên cạnh đó, dự án trồng cao su ở Campuchia có diện tích kế hoạch 7.600ha. Kế hoạch khai thác trong năm 2018 khoảng 4.800 tấn và dòng tiền từ dự án này sẽ đóng góp khá lớn cho PHR cho những năm sau. Dự án trồng rừng tại Đăk Lăk được giao dịch tích 24.700 ha, trong đó diện tích cao su hơn 7.000ha, dòng tiền dự án này đem lại cho PHR cũng sẽ ổn định, đặc biệt sau năm 2020 khi công ty tiến hành thanh lý.